Bộ đơn giá tuy đã rất dày nhưng cũng không đủ tất cả các công việc. Trong thực tế bạn sẽ gặp rất nhiều công việc không có trong bộ đơn giá. Có 3 trường hợp như sau:
1. Công việc có đơn giá tương đương. Trường hợp này chọn đơn giá và sửa tên. VD:
- Công tác đắp cát tôn nền, đắp cát hố móng ... không có trong đơn giá. Vì vậy, ta thường phải lấy đơn giá tương đương là Đắp cát nền móng công trình (Mã hiệu AB.13411) rồi sửa tên.
- Công tác BT, ván khuôn cổ cột cũng không có trong đơn giá. Vì vậy thường chúng ta phải lấy đơn giá BT, ván khuôn cột để áp dụng mặc dù tính chất công việc khác nhau khá nhiều.
2. Công việc có đơn giá gần giống nhưng tính chất công việc khác nhau. Trường hợp này chọn đơn giá gần giống nhất rồi sau đó sửa định mức và đơn giá. VD:
Trong thiết kế có công tác đổ BT lót đá 4x6 mác 75. Trong đơn giá chỉ có mác 100 là thấp nhất. Ta sẽ phải chọn đơn giá mác 100 rồi sau đó sửa:
- Định mức: Phải tính lại định mức xi măng, đá, cát ...
- Đơn giá: Tính lại đơn giá.
Trong thực tế, người ta thường nội suy đơn giản thôi (vì thực ra để tính chính xác tương đối rắc rối mà không phải ai cũng làm được). Chẳng hạn trong trường hợp này, đa số mọi người chỉ sửa định mức xi măng bằng cách nội suy, còn đá, cát thì coi như không thay đổi cho đơn giản.
Thường trong các dự toán có các mã hiệu (theo nhà nước) sau có thêm chữ "vd" (vận dụng) là trường hợp này.
3. Công việc hoàn toàn không có trong bộ đơn giá: Sẽ phải tính định mức và đơn giá từ đầu. Ví dụ nếu làm công tác chống thấm bằng sika 2 thành phần chẳng hạn, bạn sẽ phải căn cứ vào tài liệu kỹ thuật của Sika để xác định định mức (mỗi m2 thì hết bao nhiêu kg phụ gia loại A, bao nhiêu kg phụ gia loại B, bao nhiêu nhân công, bao nhiêu máy ...) rồi sau mới tính ra đơn giá.
Nhưng cũng tương tự trường hợp 2, người ta thường quy về một bài toán đơn giản nhất để tính. Chẳng hạn như trong ví dụ trên, người ta sẽ coi như khoán cho nhà thầu chống thấm là bao nhiêu tiền/m2 chứ nếu tính chi tiết sẽ rất phức tạp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét